Kinh tế, xã hội Việt Nam đang trên đà phát tiển mạnh mẽ. Chúng ta không khỏi choáng ngợp trước các công trình kiến trúc mọc lên mỗi ngày, khiến thay đổi diện mạo của không chỉ đô thị mà còn cả các vùng hẻo lánh ít được biết đến. Làm sao để các công trình kiến trúc vẫn giữ được bản sắc văn hóa tại nơi mà nó đang cư ngụ? Làm thế nào để mỗi công trình kiến trúc là sơi dây kết nối được quá khứ và hiện tại? Đó là một thách thức lớn, một sứ mệnh lớn của các kiến trúc sư A79.
Bức tranh Kiến trúc Việt đương đại
Khi nhắc đến Kiến trúc Việt Nam đương đại, có lẽ chúng ta không khỏi choáng ngợp trước một “rừng” các công trình kiến trúc đang mọc lên mỗi ngày. Từ đô thị cấp trung ương cho đến cấp địa phương, thậm chí cả ở những vùng trước đây ít được biết đến thì nay cũng đã thu hút hàng triệu khách du lịch thăm quan mỗi năm.
Nhưng rồi sẽ đến một ngày nào đó, người Hà Nội nhận ra, thủ đô không còn lãng mạn quyến rũ như ngày nào, hay một Sa Pa không còn giữ được sự hồn nhiên trong trẻo của núi rừng… Mà tất cả được thay bằng những tòa nhà cao tầng bê tông phơi phủ trong sương nắng, những con đường cao tốc trơ trọi, cứng đờ đâm ngang vào thắng cảnh.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Mỗi nơi chốn đều có một linh hồn riêng, nó được tạo ra từ rất nhiều yếu tố: Lịch sử, con người sống nơi đó, những điều kiện tự nhiên đến kiến trúc, văn hóa… Vì thế khi nhắc đến bản sắc của một đô thị, không đơn thuần chỉ là cát, sỏi, bê tông và các khối nhà. Bản sắc chính là tinh thần, là linh hồn của nơi chốn ấy.
Bởi vậy, mặc dù tiếc nuối quá khứ thì đô thị hóa vẫn là một quá trình không thể đảo ngược, chúng ta vẫn đang lao vun vút trên con tàu một chiều và không thể quay lại vị trí cũ.
Vậy làm sao để các công trình kiến trúc vẫn giữ được bản sắc văn hóa tại nơi mà nó đang cư ngụ? Làm thế nào để mỗi công trình kiến trúc là sơi dây kết nối được quá khứ và hiện tại? Đó là một thách thức lớn, một sứ mệnh lớn của các kiến trúc sư A79.
Học gì từ quan điểm kiến trúc đương đại của Kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật – Giáo sư Shin Takamatsu?
“Hãy học hỏi từ quá khứ” – Một chia sẻ ngắn gọn nhưng lại là những trăn trở suốt hành trình làm nghề của Kiến trúc sư Shin Takamatsu, khi ông đến tham dự buổi tọa đàm về Kiến trúc Việt đương đại với A79.
Giáo sư Shin Takamatsu được biết đến là một Kiến trúc sư của những kiến trúc không tồn tại. Ông nổi tiếng với các bản vẽ tay kinh hoàng, các công trình mang hơi hướng tương lai, các chi tiết ẩn dụ và tạo hình máy móc công nghiệp. Các công trình của ông giống như những pháo đài, mang tính biểu tượng cao, đóng kín với không gian xung quanh bởi ông cho rằng: “Kiến trúc là một biểu tượng. Biểu tượng có cái đẹp của nó và tạo ra những cảm kích trong khoảnh khắc có thể khiến con người ta vỡ òa.”
Song không thể phủ nhận, dù là kiến trúc biểu tượng hay kiến trúc đời sống, nó đều là tấm gương phản chiếu trung thực nhất của thời đại. Bởi vậy các tác phẩm kiến trúc đều cần học hỏi từ quá khứ, kế thừa những cái hay, cái đẹp để kiến tạo nên những công trình kiến trúc phù hợp ở hiện tại.
Và đối với Kiến trúc sư Takamatsu, kế thừa những giá trị truyền thống không chỉ là sử dụng các vật liệu hay những tạo hình cổ điển mà qua cách ẩn dụ các chi tiết, không gian sáng tối, đôi khi giống như sự cóp nhặt của một chi tiết ngoài kiến trúc ghép vào bề mặt.
Bàn về Sứ mệnh của A79 với kiến trúc Việt đương đại
A79 ra đời trong bối cảnh kinh tế xã hội việt Nam đang trên đà phát tiển, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Bởi vậy, trước hết kiến trúc phải mang tính “đáp ứng”, đó là bản năng gốc của nó. Đồng thời luôn cần sự sáng tạo để thích ứng với mọi biến động chung của xã hội, của ngành và của thời đại trong đó có Khoa học công nghệ.
Mặc dù là một thực thể độc lập, song A79 vẫn là một thành viên thuộc Đại gia đình Alphanam. Chính vì thế, tinh thần và tư duy “Đi trước một bước” luôn được duy trì nhằm thúc đẩy cũng như đặt ra bài toán cho các kiến trúc sư sáng tạo những công trình mang tính đột phá. Qua đó dẫn dắt những lối sống mới, phong cách sống mới cho cộng đồng như: kiến trúc xanh, kiến trúc thông minh. Bên cạnh đó một số đại dự án của A79 bao gồm các công trình văn hóa và công trình đô thị đã, đang và sẽ được “Kiến trúc hóa” để chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật thay vì chỉ mang tính chuyên môn kỹ thuật thuần túy. Một khát vọng nhằm hướng đến kiến tạo những công trình mang tính biểu tượng của thời đại.
Cũng trong buổi hội thảo, Ban Lãnh đạo cũng như toàn thể kiến trúc sư, kỹ sư của A79 cùng nhau chia sẻ giấc mơ lớn. A79 không chỉ đem đến những tác phẩm kiến trúc đỉnh cao phục vụ người Việt mà còn mong muốn “đem chuông đi đánh xứ người, vươn tầm thế giới.”